Facebook Marketing
Chiến lược khác biệt hóa là gì? Ưu nhược điểm của chiến lược khác biệt hóa
Với tình hình phát triển của thị trường hiện nay, sự cạnh tranh trong kinh doanh là rất lớn. Do đó nếu như không tạo ra được sự khác biệt thì doanh nghiệp của bạn chắc chắn sẽ không thể năng cao vị thế của mình và hoàn toàn bị bỏ lại ở phía sau. Vì thế để giải quyết vấn đề này, rất nhiều doanh nghiệp hiện nay đã sử dụng một chiến lược cực hiệu quả đó chính chiến lược khác biệt hóa. Vậy chiến lược khác biệt hóa là gì? Ưu và nhược điểm của chiến lược ra sao? Hãy cùng theo dõi bài viết để tìm hiểu nhé.
1. Chiến lược khác biệt hóa là gì?
Chiến lược khác biệt hóa là chiến lược mà theo đó doanh nghiệp tạo ra được lợi thế cạnh tranh dựa trên tính đặc thù của sản phẩm, dịch vụ cung cấp hay ý tưởng kinh doanh của doanh nghiệp được thị trường chấp nhận và đánh giá cao.
Khi một công ty, doanh nghiệp theo đuổi chiến lược khác biệt hóa sản phẩm thì họ cần phải cố gắng để trở thành duy nhất trong ngành bằng việc cung cấp các sản phẩm, dịch vụ có giá trị cho khách hàng và tạo ra sản phẩm, dịch vụ mà được người tiêu dùng nhận thức là độc đáo nhất theo nhận xét của họ.
2. Ưu và nhược điểm của chiến lược khác biệt hóa
Ưu điểm
- Doanh nghiệp ít bị cạnh tranh bởi các đối thủ này do khách hàng trung thành với nhãn hiệu sản phẩm của doanh nghiệp khác biệt hóa và sản phẩm doanh nghiệp khó bị bắt chước.
- Chiến lược khác biệt hóa giúp doanh nghiệp tạo ra lòng trung thành của khách hàng đối với sản phẩm, dịch vụ của mình. Vì một khi họ đã rất hài lòng và yêu thích sự khác biệt của bạn thì chắc chắn họ sẽ không còn chọn những sản phẩm, dịch vụ, thương hiệu khác nữa.
Nhược điểm
- Khả năng dễ bị bắt chước cũng rất nhanh chóng bởi các đối thủ khác trong ngành.
- Đòi hỏi phải tập trung nhiều vào hoạt động nghiên cứu và phát triển, hoạt động truyền thông, giao tiếp để cung cấp những thông tin về tính chất độc đáo và sự khác biệt về sản phẩm của mình so với sản phẩm của các đối thủ cạnh tranh.
- Khi theo đuổi chiến lược, doanh nghiệp dễ đưa ra những sản phẩm với những đặc tính cao quá mức cần thiết dẫn đến tốn kém nhưng khách hàng không cần, không xem trọng hoặc không biết đến và không đánh giá cao.
- Chi phí để tạo ra sự khác biệt là rất cao.
3. Các yếu tố tạo ra sự khác biệt cho doanh nghiệp
Muốn tạo được sự khác biệt với đối thủ cạnh tranh doanh nghiệp cần các yếu tố sau:
Tạo điểm khác biệt cho sản phẩm.
Để tạo khác biệt cho sản phẩm thì bản thân sản phẩm phải có được những đặc trưng riêng như tính năng, hiệu năng, độ ổn định, thiết kế, độ bền, trải nghiệm dịch vụ, quy trình phục vụ...
Tạo điểm khác biệt cho dịch vụ
Tuy ở một số thị trường, dịch vụ được cung cấp chung chung, rất khó để đem ra so sánh, tuy nhiên doanh nghiệp vẫn có thể tạo sự khác biệt bằng cách khai thác các dịch vụ đi kèm như bảo hành, bảo dưỡng, hỗ trợ giao hàng, hỗ trợ lắp đặt, phục vụ thức ăn, nước uống miễn phí...
Tạo điểm khác biệt về nhân sự
Tạo ra sự khác biệt về nhân sự ở đấy chính là cách mà nhân viên của bạn tương tác với khách hàng. Chính vì thế, một số doanh nghiệp áp dụng phương pháp tạo giá trị khác biệt dựa trên nghiệp vụ của nhân viên tiếp xúc trực tiếp với khách hàng, thông qua các yếu tố như ngoại hình, giọng nói, thái độ, trình độ chuyên môn...
Tạo điểm khác biệt về hình ảnh
Ngay cả khi hàng hóa cạnh tranh không hoàn toàn giống nhau, người mua vẫn có thể phản ứng khác nhau đối với hình ảnh của công ty hay nhãn hiệu. Để xây dựng hình ảnh của công ty hay cần có các đặc điểm nhận dạng như tên, logo, nhãn mác, bầu không khí, các sự kiện.
Trên đây là một số thông tin bạn cần nắm rõ về chiến lược khác biệt hóa.